Nông nghiệp công nghệ cao: Hướng đi tất yếu

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Trong bối cảnh khủng hoảng của ngành chăn nuôi bởi dịch bệnh hiện nay đã khẳng định, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm là hướng đi tất yếu, mang lại hiệu quả vượt trội so với sản xuất manh mún, truyền thống.
Mô hình dưa lưới trồng trên giá thể trong nhà lưới mang lại hiệu quả cao. Ảnh: BGP/Nguyễn An

Từ chủ trương đúng…

Thời gian qua, trên cơ sở phân tích, đánh giá chính xác tiềm năng, thế mạnh của địa phương và xu thế phát triển của ngành nông nghiệp, UBND tỉnh đã tập trung triển khai quyết liệt, có hiệu quả đề án phát triển nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao. Mô hình hợp tác xã (HTX) sản xuất nông nghiệp công nghệ cao phát triển năng động đã thay đổi tư duy người nông dân và cả doanh nghiệp, đang góp phần gây dựng nên một “hệ sinh thái” mới trong sản xuất nông nghiệp.

Theo thông tin từ ngành Nông nghiệp, tổng số mô hình đã thực hiện trên địa bàn tỉnh đến hết năm 2018 là 152 mô hình, với tổng diện tích nhà lưới, nhà màng 252.012 m2. Trong đó, mô hình thực hiện kinh phí hỗ trợ của tỉnh là 71 mô hình, với tổng diện tích nhà lưới, nhà màng 158.036 m2; mô hình thực hiện theo nguồn kinh phí hỗ trợ của các huyện, thành phố là 81 mô hình, với tổng diện tích nhà lưới, nhà màng 93.976 m2.

Trong số này, tỉnh quy hoạch phát triển 7 vùng rau ứng dụng công nghệ cao với diện tích 710 ha ở các huyện Lạng Giang, Lục Nam, Hiệp Hòa, Yên Dũng, Tân Yên; quy hoạch phát triển 1 vùng hoa ứng dụng công nghệ cao với diện tích 50 ha tại xã Song Mai, thành phố Bắc Giang; 1 vùng sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao với diện tích 300 ha tại các xã Xuân Lương, Canh Nậu (huyện Yên Thế); 2 vùng vải thiều ứng dụng công nghệ cao với diện tích 800 ha tại xã Hồng Giang (huyện Lục Ngạn), các xã Phúc Sơn và Liên Sơn (huyện Tân Yên); 2 vùng chăn nuôi lợn, 2 vùng nuôi gà, 1 vùng nấm, 1 vùng cây ăn quả có múi ứng dụng công nghệ cao.

Đến hết năm 2018, tổng kinh phí đã hỗ trợ cho 152 mô hình là trên 39,8 tỷ đồng. Riêng năm 2019, kế hoạch toàn tỉnh triển khai 97 mô hình, với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 26,1 tỷ đồng.

... đến hiệu quả cao

Trong trồng trọt thì vấn đề lựa chọn giống cây trồng phù hợp có tính chất quyết định đến giá trị và hiệu quả sản xuất. Sau khi triển khai các mô hình nhà màng, nhà lưới, chủ các mô hình đã chủ động nghiên cứu, tìm tòi cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu cũng như có giá trị kinh tế cao và phù hợp với nhu cầu thị trường.

Một số cây trồng được các chủ mô hình lựa chọn chủ yếu là: Dưa lưới, dưa lê Hàn Quốc trồng trên giá thể 2-3 vụ/năm, cho năng suất từ 23-25 tấn/ha/vụ, giá bán bình quân khoảng 40 triệu đồng/tấn, doanh thu khoảng xấp xỉ 1 tỷ đồng/ha/vụ, lợi nhuận khoảng 400-500 triệu đồng/ha/vụ; dưa chuột baby trồng 3-4 vụ/năm, cho năng suất khoảng 40 tấn/ha/vụ, giá bán bình quân khoảng 16-18 triệu đồng/tấn, doanh thu khoảng 640-720 triệu đồng/ha/vụ, lợi nhuận khoảng 350-400 triệu đồng/ha/vụ; hoa lily thường trồng 1 vụ/năm để phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán, sản lượng khoảng 160.000 cành/ha/vụ, giá bán bình quân khoảng 30 triệu đồng/1.000 cành, doanh thu khoảng 4,8 tỷ đồng/ha/vụ, lợi nhuận khoảng 1,1 – 1,5 tỷ đồng/ha/vụ…

Mô hình HTX Đồng Tâm 3 (Hiệp Hòa) đang triển khai có hiệu quả đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Ảnh: BGP/Nguyễn An

Nhìn chung, các mô hình đều cho hiệu quả kinh tế cao, tiêu biểu như: Mô hình trồng dưa lưới, dưa lê Hàn Quốc của HTX rau sạch Yên Dũng, quy mô khoảng 40.000 m2 nhà màng, cho doanh thu 13-15 tỷ đồng/năm; mô hình trồng dưa lưới, dưa lê Hàn Quốc của HTX nông nghiệp Đồng Tâm 3 (Hiệp Hòa), quy mô khoảng 10.000 m2 nhà màng, cho doanh thu khoảng 3-4 tỷ đồng/năm; mô hình trồng hoa của HTX dịch vụ nông nghiệp Phương Nam (TP. Bắc Giang), quy mô 2.000 m2 nhà màng, cho doanh thu khoảng 800-900 triệu đồng/năm…

Đặc biệt, mới đây, HTX Đồng Tâm 3 đã mạnh dạn thí điểm trồng cây nho Hạ Đen không hạt trên diện tích nhà lưới 5.000m2, hiện cây sinh trưởng tốt, đây có thể là hướng đi mới, mở ra những tín hiệu tích cực trong chuyển đổi cây trồng giá trị cao.

Mô hình nho Hạ Đen không hạt đang được HTX Đồng Tâm 3 thí điểm với diện tích 5.000m2. Ảnh: BGP/Nguyễn An

Ông Nguyễn Văn Nghiệp – Giám đốc Hợp tác xã Đồng Tâm 3, xã Thường Thắng, huyện Hiệp Hòa chia sẻ: “Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của nhà nước, người nông dân chúng tôi đã có thay đổi căn bản về tư duy sản xuất. Đã làm phải làm lớn, đầu tư sâu về khoa học kỹ thuật và xây dựng liên kết chuỗi… Sản xuất trong nhà lưới vừa tăng năng suất, chất lượng lại vừa bảo đảm tiêu chuẩn an toàn thực phẩm nên những sản phẩm của HTX chúng tôi không phải lo lắng nhiều về đầu ra. Hiện tại các sản phẩm dưa lưới, dưa lê Hàn Quốc của HTX đều có dán tem nhãn truy xuất nguồn gốc và có đơn vị bao tiêu ổn định. Qua gần 3 năm triển khai, chúng tôi thấy giá trị của sản xuất nông nghiệp trong nhà lưới, nhà màng tăng gấp từ 20 – 30 lần so với sản xuất truyền thống”.

Hiệu quả mang lại từ một chủ trương đúng có thể khẳng định, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao có ưu thế tuyệt đối so với sản xuất manh mún truyền thống.

Tháo gỡ rào cản để nhân rộng

Bên cạnh những lợi thế nói trên, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng phải đối mặt với không ít thách thức. Trước hết, phải khẳng định sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một phương thức sản xuất mới, đòi hỏi chi phí đầu tư lớn, lực lượng lao động phải có trình độ quản lý và tay nghề cao. Trong khi đó, nguồn lực của nhà nước còn hạn chế, hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất thiếu đồng bộ; năng lực đầu tư và quản trị của nông dân chưa đáp ứng được yêu cầu; hiện trạng sử dụng đất manh mún, phân tán khó áp dụng cơ giới sản xuất tập trung với quy mô lớn; giá cả nông sản bấp bênh… dẫn tới các mô hình nói trên chưa thể nhân rộng so với mong muốn. Đây là những rào càn cần tháo gỡ.

Ông Nguyễn Văn Nghiệp - Giám đốc HTX Đồng Tâm 3 trăn trở: “Mặc dù biết phương thức sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là hiệu quả, nhưng các thành viên trong HTX hầu hết có xuất phát điểm kinh tế thấp, trong khi đó suất đầu tư cho sản xuất trong nhà lưới, nhà màng khá cao… Nếu không có sự hỗ trợ của nhà nước về cơ chế, chính sách ưu đãi, nhất là việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi thì sẽ gặp nhiều khó khăn, rất khó có thể mở rộng quy mô”.

Được biết, chi phí để xây dựng và vận hành diện tích 2.000m2 nhà màng, nhà lưới phải cần từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng, tuy nhiên tài sản này không thể làm vật tín chấp với ngân hàng để vay vốn. Trong khi đó, các hộ dân chỉ có ruộng đất là tài sản, vì vậy, việc tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng, nhất là vốn ưu đãi rất khó khăn, điều này gây trở ngại cho việc chuyển đổi cây trồng, mở rộng sản xuất.

Mô hình sản xuất trong nhà lưới cần vốn đầu tư lớn. Ảnh: BGP/Nguyễn An

Như vậy, bên cạnh việc quan tâm hỗ trợ xây dựng những mô hình điểm, chúng ta cũng cần có chính sách linh hoạt, phù hợp để tháo gỡ khó khăn cho các HTX, nhóm hộ nông dân trong việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, bảo đảm nâng cao hiệu quả và nhân rộng các mô hình trên phạm vi toàn tỉnh.

Nguyễn An

video hoạt động video hoạt động

Hỏi đáp pháp luật Hỏi đáp pháp luật

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 7,954
Tổng số trong ngày: 574
Tổng số trong tuần: 1,202
Tổng số trong tháng: 15,404
Tổng số trong năm: 46,441
Tổng số truy cập: 699,421