Nguy cơ bị ngộ độc cao và mắc bệnh truyền nhiễm từ ăn tiết canh

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Những năm qua, có nhiều ca bệnh nặng, thậm chí là tử vong do nhiễm liên cầu lợn, giun sán... vì sở thích ăn các món sống, tái, đặc biệt là tiết canh. Nhiều chuyên gia y tế cảnh báo, nhưng thói quen của nhiều người vẫn chưa thể từ bỏ được các loại tiết canh như ngan, vịt, lợn, dê...
Vận động, tuyên truyền người thân từ bỏ việc ăn tiết canh.

Tiết canh làm từ máu sống nên chứa rất nhiều vi khuẩn hay ký sinh trùng, khi ăn dễ bị nhiễm liên cầu lợn, giun sán... Máu tươi của gia súc, gia cầm đều là nguồn dinh dưỡng để nuôi cơ thể chúng. Do chứa nhiều protein, đây cũng là một trong những môi trường thuận lợi và thích hợp cho những vi khuẩn sống và phát triển. Tiết canh được làm từ máu, thịt và sụn động vật dưới dạng tươi sống, trong khi phần lớn người ăn không thể biết được nó được lấy từ động vật khỏe hay bị bệnh. Khi ăn, rất nhiều mầm bệnh của gia súc, gia cầm có thể truyền sang người từ tiết canh.

Các loại tiết canh như ngan, vịt, lợn, dê... mỗi loại đều chứa tới hàng chục vi khuẩn có hại và dễ dàng gây bệnh. Đó là chưa kể, trong tiết canh sống còn chứa nhiều nguồn bệnh như giun sán, giun xoắn...

Nếu ăn phải tiết canh của lợn đang mắc bệnh thì nguồn máu và phụ tạng của nó sẽ chứa nhiều mầm bệnh như: Vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng gây bệnh. Do vậy, người dùng tiết canh từ con vật này sẽ có nguy cơ nhiễm các bệnh như liên cầu lợn, nhiễm giun, sán, bệnh đường tiêu hóa, viêm não mô cầu, trường hợp nặng có thể gây nhiễm trùng huyết, tử vong. Nếu ăn tiết canh gia cầm rất dễ nhiễm virus cúm gia cầm (H5N1, H1N1, H7N9, H10N8) và nguy cơ mắc bệnh rất cao, có thể tử vong. Nếu ăn tiết canh chó có thể có nguy cơ mắc bệnh dại nếu máu và thịt của chó đó bị nhiễm virus dại.

Ngoài ra, khâu làm tiết canh cũng không được đảm bảo vệ sinh. Khi cắt tiết canh, những vi khuẩn hay trứng giun sán dính trong lông, da của con vật sẽ rơi vào bát hãm tiết canh rồi truyền bệnh cho người ăn. Những người chế biến lợn nhiễm liên cầu khuẩn cũng có nguy cơ mắc bệnh do tay chân bị xước tiếp xúc với dịch, máu của lợn bệnh.

Hai thể thường gặp khi nhiễm liên cầu lợn là viêm màng não mủ và nhiễm trùng máu. Thời gian ủ bệnh khoảng vài ngày. Bệnh nhân thể viêm màng não mủ sẽ bị sốt, đau đầu, buồn nôn, hôn mê co giật. Ở thể nhiễm trùng máu, bệnh nhân sốt, sốc, nếu không xử trí kịp thời có nguy cơ suy gan, thận, tụt huyết áp, rối loạn đông máu.

Để phòng tránh nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe khuyến cáo mọi người chỉ ăn các món ăn từ gia súc, gia cầm đã được nấu chín. Tuyệt đối không thịt gia súc, gia cầm chết. Không ăn các món ăn tái sống như gỏi, nem chua, nem chạo, đặc biệt là tiết canh.

Sử dụng các phương tiện phòng hộ, rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi chăm sóc, giết mổ, chế biến thịt. Khi có vết thương hở không nên giết mổ lợn hoặc chế biến thịt tươi sống. Vệ sinh các đồ dùng giết mổ, chế biến hay dụng cụ nhà bếp ngay sau khi sử dụng...

Vận động, tuyên truyền người thân từ bỏ việc ăn các món ăn có nguy cơ cao như tiết canh, các món ăn tái sống. Khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ ngộ độc, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ ngộ độc. Bên cạnh đó, các đơn vị y tế trên địa bàn chuẩn bị sẵn sàng các phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất để kịp thời khắc phục, giảm thiểu ảnh hưởng khi có ngộ độc xảy ra./.

BGP

video hoạt động video hoạt động

Hỏi đáp pháp luật Hỏi đáp pháp luật

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 7,984
Tổng số trong ngày: 318
Tổng số trong tuần: 2,624
Tổng số trong tháng: 14,028
Tổng số trong năm: 45,065
Tổng số truy cập: 698,045