Không mua thực phẩm trôi nổi, không có địa chỉ rõ ràng

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đó là lời khuyên của Bác sỹ Nguyễn Văn Thể - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bắc Giang (ATVSTP) trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên Cổng thông tin điện tử tỉnh về triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2019 trên địa bàn tỉnh.
 
Bác sỹ Nguyễn Văn Thể - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bắc Giang. Ảnh: BGP/Nguyễn Miền 

PV: Thưa ông, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2019 với chủ đề “Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” hướng tới mục tiêu cụ thể là gì?

Chi cục trưởng Nguyễn Văn Thể: Thực tế chúng ta thấy, hiện nay vẫn có những người dù có tiền nhưng vẫn thích hàng rẻ, hàng trôi nổi. Bên cạnh đó là thói quen tiêu dùng của một bộ phận người dân, nhất là người dân có thu nhập thấp vẫn quen chọn dùng những thực phẩm rẻ tiền. Chính vì vậy, theo quy luật cung - cầu, nguồn thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, vẫn lưu thông được trên thị trường. Điều đó khiến cho công tác kiểm soát ATVSTP gặp rất nhiều khó khăn, cần sự chung tay của toàn xã hội và của cả hệ thống chính trị.

Chúng ta thấy rõ tác hại của các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm giả… nếu dùng nhiều có thể dẫn đến ngộ độc cấp, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe người tiêu dùng, về lâu dài các chất độc hại tích tụ dần trong cơ thể và có thể gây ra các bệnh mãn tính nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, ảnh hưởng đến an sinh và sự phát triển kinh tế - xã hội.

Để tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và nâng cao nhận thức, kiến thức của người tiêu dùng trong công tác bảo đảm ATTP, việc triển khai Tháng hành động vì ATTP diễn ra từ ngày 15/4 - 15/5/2019 với chủ đề “Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng để ủng hộ thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn. Đồng thời, đẩy mạnh công tác giáo dục, truyền thông, thông tin chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm, trung thực các vấn đề liên quan đến ATTP.

Thông qua Tháng hành động vì ATTP, tiếp tục nêu cao vai trò của các cơ quan quản lý, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, các tổ chức xã hội và người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về ATTP.

Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra về ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về bảo đảm ATTP, giảm thiểu tối đa các vụ ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng.

PV: Vậy nhiệm vụ trọng tâm của “Tháng hành động vì ATTP” năm 2019 tập trung vào những nội dung gì, thưa ông?

Chi cục trưởng Nguyễn Văn Thể: Ngoài các hoạt động thường xuyên bảo đảm chất lượng ATVSTP, Tháng hành động vì ATTP năm 2019 còn là điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm truyền thông trong việc tuân thủ các quy định pháp luật về ATTP đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Gắn trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương để tập trung sự chỉ đạo và bố trí nguồn lực cho công tác ATVSTP; nâng cao hiệu quả sự phối hợp giữa chính quyền địa phương với các cơ quan chức năng và các đoàn thể chính trị - xã hội trong đảm bảo ATVSTP. Qua đó, phát huy ý thức trách nhiệm với cộng đồng của cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng đối với công tác bảo đảm ATVSTP.

Hưởng ứng Tháng hành động vì ATTP năm 2019, các cơ quan báo, đài của tỉnh và hệ thống truyền thanh cơ sở sẽ tiếp tục là kênh thông tin hiệu quả nhất đến người dân về công tác bảo đảm ATVSTP. Qua đó, công khai kết quả thanh tra, kiểm tra về ATTP, tên các cơ sở cung cấp các thực phẩm an toàn, mô hình sản xuất thực phẩm an toàn cho người dân. Cũng thông qua các hoạt động tuyên truyền, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, cơ sở chế biến và kinh doanh thực phẩm cũng như người tiêu dùng có thêm kiến thức, thời gian lắng nghe, tìm hiểu nhằm nâng cao nhận thức, hành động, ứng xử về ATVSTP tại địa phương, đơn vị mình.

Đẩy mạnh công tác kiểm tra, xét nghiệm các mẫu thực phẩm. Ảnh: BGP/Nguyễn Miền

PV: Những công việc cụ thể Chi cục ATVSTP tỉnh sẽ triển khai trong “Tháng hành động vì ATTP” năm 2019, cũng như thời gian tới là gì?

Chi cục trưởng Nguyễn Văn Thể: Có thể nói, trong quý I năm 2019, công tác đảm bảo ATVSTP trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực, không có vụ ngộ độc thực phẩm và dịch bệnh nguy hiểm xảy ra. Qua đó, góp phần đảm bảo ATVSTP trong dịp Tết, Lễ hội xuân và phục vụ cho công tác khai mạc Tuần văn hóa - Du lịch Tây Yên Tử.

Tuy nhiên, việc kiểm soát ngăn chặn thực phẩm bẩn trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn do ý thức chấp hành pháp luật về ATTP của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa cao. Điều kiện kinh tế của nhân dân còn thấp nên sự tự giác tham gia của người tiêu dùng thực phẩm đối với công tác ATTP còn hạn chế. Cán bộ làm công tác ATTP ở cấp xã, phường, thị trấn chủ yếu là kiêm nhiệm nên hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Trên địa bàn tỉnh hiện nay có khoảng trên 90% cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có quy mô nhỏ lẻ, hầu hết là các cá thể hộ gia đình; cùng với đó là xu hướng phát triển các dịch vụ ăn uống hè phố, ăn đêm tại các trung tâm xã, phường, thị trấn, thành phố… gây khó khăn cho việc kiểm soát các mối nguy ô nhiễm thực phẩm.

Vì vậy, để khắc phục những tồn tại hạn chế, Chi cục ATVSTP tỉnh đã chủ động tham mưu Sở Y tế trình Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP ban hành Công văn số 958/BCĐLN-KGVX ngày 22/03/2019 về việc triển khai Tháng hành động vì ATTP năm 2019; tổ chức Hội nghị kiểm điểm công tác quản lý nhà nước về ATTP quý I và phát động triển khai Tháng hành động vì ATTP năm 2019.

Bên cạnh đó, Chi cục ATVSTP tỉnh còn tham mưu Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trong ngành triển khai Tháng hành động vì ATTP năm 2019; tăng cường quản lý, kiểm tra đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và tiệc cỗ tại hộ gia đình. Đồng thời, hướng dẫn Trung tâm Y tế các huyện, thành phố, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc thẩm quyền quản lý chủ động triển khai bảo đảm ATTP trong Tháng hành động vì ATTP năm 2019. Đẩy mạnh triển khai cuộc thanh tra, kiểm tra về ATTP đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt kiểm tra năm 2019; tiến hành giám sát, chỉ đạo tuyến về ATTP đối với các đơn vị y tế tuyến cơ sở.

Ngoài các hoạt động triển khai thường xuyên nhằm bảo đảm chất lượng ATTP trong Tháng hành động vì ATTP năm 2019, Chi cục cũng tăng cường phối hợp với các cơ quan báo chí truyền thông trong tỉnh đẩy mạnh các hoạt động truyền thông vì chất lượng ATTP và chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể và các bệnh truyền qua thực phẩm do sử dụng sản phẩm không an toàn.

Người tiêu dùng nên mua thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, Ảnh: BGP/Nguyễn Miền

PV: Ông có lời khuyên gì dành cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn, giữ gìn sức khỏe trong những ngày hè sắp tới?

Chi cục trưởng Nguyễn Văn Thể: Thời điểm triển khai Tháng hành động vì ATTP cũng là thời điểm chuyển mùa, nguy cơ ngộ độc thực phẩm cao. Vì vậy, lời khuyên đầu tiên dành cho người tiêu dùng là không mua thực phẩm trôi nổi, không có địa chỉ rõ ràng, không mua thực phẩm bán rong…

Đối với người có thu nhập thấp, nếu chịu khó tìm hiểu vẫn có thể mua được thực phẩm sạch giá rẻ để phục vụ cho gia đình mình. Vì vậy, người dân nên thực hiện việc lựa chọn, mua và sử dụng những thực phẩm còn tươi, thực phẩm có nhãn mác ghi đủ nội dung và sản phẩm còn hạn sử dụng; thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm chất lượng tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống có đủ điều kiện bảo đảm ATTP theo quy định, các cơ sở sản xuất kinh doanh có uy tín, địa chỉ rõ ràng.

Đặc biệt, người dân không mua, sử dụng thực phẩm ôi thiu, hỏng mốc, quá hạn; tuyệt đối không giết mổ, thu hái, sử dụng các động, thực vật độc như: Nấm độc, cá nóc, ốc lạ, hoa quả lạ…

Thứ hai, đảm bảo đủ dụng cụ chế biến, chứa đựng thực phẩm “sống” và “chín” riêng biệt; nơi chế biến thực phẩm phải khô ráo, vệ sinh sạch sẽ; tiệt trùng các dụng cụ chứa đựng thực phẩm trước khi sử dụng, tiệt trùng bát đũa trước khi ăn uống.

Thứ ba, thực hiện các biện pháp diệt côn trùng (ruồi, nhặng, gián, chuột…) và thực hành vệ sinh phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan y tế; che đậy, bảo quản thực phẩm tươi sống và thức ăn sau khi nấu chín hợp vệ sinh, an toàn; nên ăn ngay sau khi thực phẩm được chế biến xong, đun kỹ lại thức ăn cũ trước khi sử dụng; bảo đảm uống đủ nước và có khẩu phần ăn hợp lý, đủ dinh dưỡng trong ngày.

Thứ tư, bảo đảm có đủ nguồn nước sạch trong chế biến thực phẩm; nước đá sử dụng trong ăn uống phải được sản xuất từ nguồn nước bảo đảm vệ sinh.

Thứ năm, thực hiện ăn chín, uống chín; rửa tay sạch trước khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, sau khi giết mổ, chế biến thịt gia cầm, thủy cầm hoặc sau khi tiếp xúc với những nguồn gây ô nhiễm khác.

“Vì sức khỏe của bạn và cộng đồng, mọi người dân hãy bảo đảm an toàn thực phẩm”.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Nguyễn Miền (thực hiện)

video hoạt động video hoạt động

Hỏi đáp pháp luật Hỏi đáp pháp luật

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 17,039
Tổng số trong ngày: 727
Tổng số trong tuần: 5,203
Tổng số trong tháng: 23,904
Tổng số trong năm: 71,076
Tổng số truy cập: 724,056