Chăn nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP - Xu hướng tất yếu và bền vững

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
VietGAP là cụm từ viết tắt của Vietnamese Good Agricultural Practices. Trong lĩnh vực thủy sản được hiểu là thực hành sản xuất thủy sản tốt ở Việt Nam trên cơ sở 4 nhóm tiêu chí: bảo đảm an toàn thực phẩm, giảm thiểu tác động đến môi trường sinh thái, quản lý tốt sức khỏe động vật, thực hiện các trách nhiệm về phúc lợi xã hội và an toàn cho người lao động, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm thủy sản...
Mô hình nuôi cá đạt tiêu chuẩn VietGAP tại xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên. Ảnh: Đỗ Huy Khôi

Trong những năm gần đây, việc sản xuất thủy sản đảm bảo an toàn sinh học, nuôi VietGAP đã được cơ quan chức năng quan tâm, chỉ đạo. Nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP như Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; Thông tư số 48/2012/TT-BNNPTNT ngày 26/9/2012 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về chứng nhận sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi được sản xuất, sơ chế phù hợp với Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt; Quyết định số 1503 /QĐ-BNN-TCTS ngày 05/7/2011 của Bộ Nông nghiệp và PTNT và Quyết định số 3824/QĐ-BNN-TCTS ngày 06/9/2014 về việc ban hành Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt Việt Nam (VietGAP) ngày 06/9/2014; Thông tư số 53/2012/TT-BNNPTNT ngày 26/10/2012 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về danh mục sản phẩm được hỗ trợ theo Quyết định 01/2012/QĐ-TTg ngày 09/01/2012…

Trên cơ sở các nguồn vốn, hàng năm tỉnh Bắc Giang đều có chính sách hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình nuôi công nghệ cao, nuôi theo định hướng và đạt tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó, căn cứ vào các chính sách của Trung ương, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu Đề án phát triển vùng nuôi thủy sản tập trung đạt tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2016 - 2020 và được UBND tỉnh phê duyệt theo Quyết định số 650/QĐ-UBND ngày 29/4/2016. Theo đó, người nuôi cá sẽ được tiếp cận, hỗ trợ trong việc tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình đạt tiêu chuẩn VietGAP, hỗ trợ tư vấn, chứng nhận và xúc tiến thương mại.

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh, năm 2012, toàn tỉnh mới chỉ có 5 ha mô hình nuôi thủy sản theo hướng an toàn sinh học thì đến hết năm 2018, toàn tỉnh đạt trên 530 ha diện nuôi thủy sản an toàn theo hướng VietGAP. Trong đó, diện tích đạt tiêu chuẩn Vietgap được cấp giấy chứng nhận là 88 ha. Nhiều mô hình nuôi thủy sản an toàn có thể đảm bảo hầu hết các tiêu chí của quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt Việt Nam, tập trung ở các huyện Tân Yên, Việt Yên, Hiệp Hòa, Lạng Giang, Yên Dũng và TP. Bắc Giang.

Còn nhiều khó khăn…

Toàn tỉnh hiện có trên 530 ha nuôi thủy sản theo hướng VietGAP. Tuy nhiên hầu hết diện tích này chưa được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn. Hiện nay, người nuôi trồng thủy sản là những nông hộ nhỏ lẻ. Tại những vùng nuôi thủy sản vẫn thường sản xuất theo tập quán, truyền thống nên rất khó khăn khi tác động và hướng người nuôi áp dụng phương pháp sản xuất VietGAP khi điều kiện cơ sở hạ tầng chưa đạt yêu cầu, thiếu nhân lực, vốn đầu tư ít, kinh nghiệm và trình độ sản xuất còn hạn chế…

Đây cũng là nguyên nhân ảnh hưởng lớn và trực tiếp đến chất lượng và sản lượng nuôi thủy sản của chính hộ nuôi dẫn đến khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Trong khi tiêu chuẩn VietGAP có nhiều tiêu chí khó áp dụng đối với hộ nuôi nhỏ lẻ như “hợp đồng lao động, cơ sở nuôi phải thường xuyên quan trắc, kiểm soát chất lượng nước từng loài nuôi và lập, cập nhật, lưu trữ hồ sơ về con người, quan trắc; cơ sở nuôi phải lập, cập nhật và lưu trữ hồ sơ liên quan đến sức khỏe thủy sản nuôi…”.

Chi phí cho các hộ nuôi áp dụng quy trình VietGAP sẽ tăng lên từ 10 - 30% trong khi giá bán sản phẩm vẫn như sản phẩm bình thường. Và chi phí tư vấn cấp giấy chứng nhận an toàn, sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn VietGAP hiện nay khá cao 7 - 10 triệu đồng/ha, vì vậy, khi áp dụng sản xuất cá truyền thống ở các tỉnh nội đồng không có sản phẩm xuất khẩu là khó khăn đến việc mở rộng và duy trì mô hình sản xuất VietGAP.

Bên cạnh đó, nhận thức của người nuôi trồng thủy sản về việc sản xuất bền vững, có trách nhiệm đối với người tiêu dùng và xã hội chưa cao. Nhiều ao nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh chủ yếu tồn tại dưới dạng nông hộ nhỏ lẻ nên hệ thống thủy lợi, ao chứa, ao lắng chưa đáp ứng được yêu cầu, người nông dân không có tập quán ghi chép nhật ký sản xuất nên việc áp dụng VietGAP gặp nhiều khó khăn.

Nhiều lợi ích

Mặc dù còn nhiều khó khăn, song việc áp dụng, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ giúp người dân thay đổi phương thức nuôi theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, bảo vệ môi trường; phát triển sản xuất bền vững, tạo ra sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có nguồn gốc rõ ràng, có tính cạnh tranh cao, đáp ứng yêu cầu thị trường; theo dõi, quản lý được suốt quy trình nuôi, giảm thiểu rủi ro, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường sinh thái, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm hướng tới phát triển bền vững.

Ngoài ra, các cơ sở nuôi trồng thủy sản sẽ dễ dàng được các thị trường chấp nhận hơn. Áp dụng VietGAP làm thay đổi tập quán sản xuất, xã hội giảm bớt được chi phí y tế, người dân được sử dụng sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm nghĩa là đã nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng và đảm bảo sự phát triển bền vững của xã hội. Người tiêu dùng sẽ được sử dụng những sản phẩm có chất lượng an toàn vệ sinh, đó cũng là mục tiêu chính và lợi ích lớn nhất mà VietGAP mang lại.

Với việc đề ra các nguy cơ và quy định thực hiện, VietGAP sẽ tạo nên quyền được đòi hỏi của người tiêu dùng, từ đó góp phần tạo nên một thế hệ những người tiêu dùng dễ dàng nhận biết được sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trên thị trường khi thấy có chứng nhận hoặc dấu chứng nhận sản phẩm VietGAP. Đây cũng là động lực chính thúc đẩy người dân và các nhà sản xuất phải cải tiến để sản xuất và cung ứng các sản phẩm tốt từ nông nghiệp cho xã hội. Bên cạnh đó giúp cho người nông dân tiếp cận với kỹ thuật sản xuất, giống mới, nâng cao năng suất, giá trị thu nhập từ một đơn vị diện tích, góp phần nâng cao năng suất sản lượng thủy sản toàn tỉnh…

Hướng đi tất yếu và bền vững

Từ những phân tích ở trên có thể thấy việc áp dụng nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn tỉnh Bắc Giang trong giai đoạn hiện nay còn nhiều khó khăn nhưng không phải không làm được.

Trong khi xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu con người được nâng lên, để đáp ứng với yêu cầu được cung cấp sản phẩm an toàn ngày càng cao của xã hội thì việc phát triển nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP là hướng đi tất yếu để phát triển ngành thủy sản của tỉnh một cách bền vững.

Tuy nhiên để giải quyết những khó khăn thì rất cần sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, các ngành, chính quyền và cả cộng đồng. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến nuôi thủy sản VietGAP tiến tới thống nhất theo một quy chuẩn chung. Tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết các hộ nuôi với nhau để có thể sản xuất theo chuỗi và thực hiện chứng nhận VietGAP cho vùng nuôi. Nâng cấp cơ sở hạ tầng cho các vùng nuôi, đồng thời áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào nuôi trồng thủy sản, từng bước đáp ứng với các tiêu chuẩn VietGAP cũng như đẩy mạnh hơn nữa để huy động sự chung tay của cả cộng đồng giúp cho lộ trình triển khai, áp dụng VietGAP được rút ngắn và đạt hiệu quả cao./.

     Đỗ Huy Khôi

                                                          

video hoạt động video hoạt động

Hỏi đáp pháp luật Hỏi đáp pháp luật

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 8,038
Tổng số trong ngày: 21
Tổng số trong tuần: 8,012
Tổng số trong tháng: 15,596
Tổng số trong năm: 62,768
Tổng số truy cập: 715,748