Nuôi cá “Sông trong ao” - Cách làm mới trong sản xuất thủy sản

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Mô hình “sông trong ao” (IPRS) được hiểu đơn giản là Hệ thống nuôi thủy sản tạo dòng chảy trong ao, hồ thay vì cách nuôi nước tĩnh theo cách thức truyền thống được áp dụng từ kết quả nghiên cứu tại Đại học Auburn, Mỹ, đại diện là Tiến sỹ Jesse Chappell, một chuyên gia nổi tiếng về IPRS.
Mô hình nuôi cá "sông trong ao" của anh Nguyễn Văn Tuấn, thôn Hố Vầu, xã , xã Tân Hưng, huyện Lạng Giang.
Ảnh: Nguyễn Thu Hiền

Công nghệ IPRS đang làm thay đổi đáng kể cách nuôi cá hiện nay ở Mỹ, Trung Quốc và đang được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có một số tỉnh, thành phố ở Việt Nam. Mặc dù đòi hỏi đầu tư cao hơn so với cách nuôi truyền thống nhưng những lợi ích từ công nghệ này hứa hẹn sẽ tác động tích cực tới tính cạnh tranh và bền vững lĩnh vực thủy sản của tỉnh.

Những năm gần đây, việc sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nói chung và sản xuất thủy sản công nghệ cao nói riêng đã được các cơ quan chức năng quan tâm, chỉ đạo. Nhiều cơ chế, chính sách chỉ đạo, định hướng, khuyến khích sản xuất áp dụng công nghệ cao đã được Chính phủ, bộ, ngành Trung ương và tỉnh Bắc Giang tích cực triển khai thông qua những Nghị quyết, đề án, chương trình hành động hết sức cụ thể, sáng tạo.

Hằng năm, tỉnh Bắc Giang đều triển khai chính sách hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn VietGap (khoảng 40 ha/năm). Bên cạnh đó, căn cứ vào các chính sách của Trung ương và tình hình thực tiễn, Sở Nông nghiệp, Chi cục Thủy sản đã tham mưu xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ nuôi IPRS. Tiêu biểu là mô hình nuôi cá của anh Tô Hiến Thành, thôn Danh Thượng 2 – xã Danh Thắng - huyện Hiệp Hòa - tỉnh Bắc Giang; mô hình nuôi cá của anh Nguyễn Văn Tuấn, thôn Hố Vầu, xã , xã Tân Hưng, huyện Lạng Giang.

Qua nghiên cứu của các nhà khoa học, quá trình triển khai thực tế và kinh nghiệm của các tỉnh và các mô hình đã áp dụng cho thấy, công nghệ nuôi cá “sông trong ao” có nhiều ưu điểm so với cách nuôi truyền thống.

Dễ quản lý môi trường, dịch bệnh

Do kích thước tiêu chuẩn của máng nước chảy là 25x5x2m, (250m- nuôi cá chính trong diện tích này) nên người nuôi có thể kịp thời phát hiện các dấu hiệu của dịch bệnh và xử lý nhanh hơn để ngăn chặn sự tiến triển của bệnh so với các ao nuôi thương phẩm lớn. Cá cũng có thể dễ dàng cho ăn một cách hiệu quả bằng thức ăn có thuốc hoặc tắm bằng thuốc khi bị bệnh. Hệ thống nuôi này được ứng dụng linh hoạt, trong đó có thể nuôi nhiều đối tượng với nhiều kích cỡ khác nhau. Thức ăn dư thừa và phân cá được thu gom trong quá trình nuôi nên môi trường ít bị ô nhiễm, có thể tận dụng lượng chất thải làm phân bón cho cây trồng hoặc máng bioga.

Sau khi thu hoạch có thể thả giống mới ngay mà không cần phải xử lý đáy ao, không cần thay nước trong quá trình nuôi, chỉ bổ sung nước để bù lượng bốc hơi tự nhiên, tránh được việc lây lan mầm bệnh sang các ao hồ khác và thải ra môi trường xung quanh.

Năng suất cao, hệ số chuyển đổi thức ăn thấp và tăng trưởng nhanh

Hệ số chuyển đổi thức ăn của cá được nuôi trong IPRS dao động thấp hơn so với giá trị thông thường do diện tích nuôi tập trung, không bị các loại cá tạp tranh lấn thức ăn với cá nuôi trong máng. Áp dụng công nghệ "sông trong ao" có thể nuôi cá với mật độ cao hơn nhiều lần (5-10 lần) so với nuôi thông thường ở môi trường ao nước tĩnh.

Do nước vận động liên tục thông qua hệ thống sục khí nên hàm lượng ô xy cao, góp phần giảm đáng kể lượng khí độc gây dịch bệnh cho cá, giúp cá vận động tốt, tiêu hóa, tăng trưởng nhanh, khỏe mạnh, thịt cá được đánh giá là ngon hơn so với trong môi trường nuôi ao nước tĩnh truyền thống, từ đó giảm thời gian chu kỳ nuôi, năng suất cao hơn. Năng suất thiết kế cho một ao có thể tích 10.000 mnước sử dụng 250 mthể tích nuôi nước chảy có thể sản xuất được tối đa 45.000 kg (45 tấn cá) gồm 37.500 kg cá thịt nuôi trong máng chính và 7.500 kg cá ăn lọc ở ngoài.

Giảm chi phí lao động, sản xuất

Các hệ thống IPRS có thể được trang bị các máy cho ăn tự động hoặc cho ăn theo nhu cầu, giảm công lao động so với cho ăn bằng tay chỉ với một người có thể quản lý, vận hành nhiều hệ thống. Áp dụng công nghệ "sông trong ao" rất thuận tiện trong khâu thu hoạch, chỉ cần hai người là có thể thu hoạch toàn bộ lượng cá trong ao giúp giảm chi phí nhân công, chủ động được thời gian, số lượng cá khi thu hoạch, không gây ảnh hưởng đến lượng cá còn lại trong ao. Việc dùng chế phẩm sinh học, thuốc phòng và chữa bệnh có chi phí thấp hơn và hiệu quả hơn với mặt nước lớn của ao thông thường.

Tuy nhiên, công nghệ nuôi cá IPRS đòi hỏi một số yêu cầu kỹ thuật, điều kiện tương đối khắt khe cần phải đáp ứng để có thể áp dụng thành công, đó là:

Ao nuôi phải có thể tích tối thiểu từ 10.000 mnước trở lên (chiều dài x chiều rộng x chiều sâu của ao); chi phí đầu tư xây dựng ban đầu khá lớn, trung bình khoảng 250 - 300 triệu đồng/máng nuôi; hệ thống yêu cầu cung cấp điện ổn định, liên tục 100% suốt quá trình nuôi và những thiết bị riêng biệt bao gồm thiết bị máy phát điện dự phòng để có thể tự động thay thế điện lưới; chi phí đầu tư mua thức ăn, con giống, chất xử lý, cải tạo môi trường... lớn, ngoài ra còn phát sinh chi phí tiêu thụ điện của các hộ nuôi.

Với hình thức nuôi áp dụng công nghệ cao, nhiều thiết bị, vận hành 24/24h, do đó cần có sự đồng bộ về hệ thống, người nuôi phải có trình độ nhất định trong quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng và phải giám sát thường xuyên, liên tục trong suốt quá trình nuôi.

Cá chính nuôi trong máng nên thức ăn 100% là thức ăn công nghiệp nổi, chỉ tận dụng thức ăn tự nhiên cho cá ăn lọc ở ngoài. Cá nuôi trong hệ thống IPRS bị giới hạn ở mương nuôi với mật độ cao, điều này có thể làm cho dịch bệnh xảy ra rất nhanh nếu không quản lý môi trường tốt.

Có thể nói mô hình nuôi cá “sông trong ao” là hướng đi mới trong việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất thủy sản góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế; áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao tạo ra sản phẩm đạt yêu cầu cả về chất và lượng, thay đổi tư duy sản xuất theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, để mô hình nuôi cá IPRS có thể được nhân rộng, phát triển bền vững, tạo ra lượng sản phẩm lớn cho nông nghiệp của tỉnh, rất cần sự hỗ trợ về kỹ thuật, vốn từ các cơ quan nhà nước, đặc biệt cần có nghiên cứu, đánh giá khoa học về hiệu quả của mô hình nuôi cá IPRS của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để từ đó có khuyến cáo, chỉ đạo trong việc quy hoạch, mở rộng hình thức nuôi cá này.

Nguyễn Thu Hiền

video hoạt động video hoạt động

Hỏi đáp pháp luật Hỏi đáp pháp luật

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 9,615
Tổng số trong ngày: 4
Tổng số trong tuần: 7,995
Tổng số trong tháng: 15,579
Tổng số trong năm: 62,751
Tổng số truy cập: 715,731